Thành Phố Thủ Đức “Giữ Vàng Trong Tay”

bởi Thuỷ Tiên

Thành phố Thủ Đức trong tương lai có 6 khu trọng điểm, bao gồm Thủ Thiêm, Rạch Chiếc, Trường Thọ, Tam Đa, Đại học Quốc gia và khu công nghệ cao.

Sau đại dịch Covid-19, theo bảng xếp hạng sức khỏe tài chính của 66 nền kinh tế mới nổi năm 2020, tạp chí The Economist đánh giá Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn sau đại dịch Covid-19 với các chỉ số tài chính ổn định. Đây là thời cơ chuyển mình cho nhiều ngành kinh tế, trong đó có logistics (ngành hậu cần).

Theo nhiều chuyên gia trong ngành, mục tiêu hiện tại của Thành phố Thủ Đức là giãn dân, giảm áp lực hạ tầng cho Thành phố Hồ Chí Minh về mọi mặt.

Nghị quyết về việc thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh đã được chính thức thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Là sự sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức, Thành phố Thủ Đức rộng trên 211 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn một triệu người. Nằm giáp Quận 1, Quận 4, Quận 7, Quận 12, quận Bình Thạnh, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương.

Không thể phủ nhận, Tp. Thủ Đức được thành lập và triển khai tốt thì sẽ mang lại những lợi ích thiết yếu. Cụ thể, giảm áp lực về giao thông, dân số, hoạt động kinh doanh/văn hóa … cho trung tâm hiện hữu là Q1 – Q3 – Phú Nhuận – Bình Thạnh. Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển chung của Tp.HCM.

“Thành lập “Thành phố trong thành phố” liên quan mật thiết đến nền kinh tế, trong đó, nhiệm vụ của các cơ quan ban ngành là làm sao đưa Thủ Đức lên thành một trung tâm kinh tế, như vậy thì các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước mới có thể thấy được cơ hội để họ đầu tư vào sản xuất, dịch vụ,… chứ không đơn thuần chỉ để xây dựng con đường và bán BĐS, cũng không phải để người dân mua BĐS để bán lại, phải làm sao để Thủ Đức trở thành trung tâm kinh tế, dịch vụ để người dân có thể về đó sinh sống và làm việc, có đồng lương thu nhập”, TS Sử Ngọc Khương, giám đốc cấp cao Savills Việt Nam bày tỏ quan điểm.

TP Thủ Đức hứa hẹn dẫn dắt nguồn cung nhà ở từ trung cấp, cao cấp đến hạng sang phủ sóng khắp các quận 9, Thủ Đức và đặc biệt là Thủ Thiêm, phố nhà giàu quận 2.

Cũng tại TP Thủ Đức, khu ICD Trường Thọ rộng 63 ha là cụm cảng cạn lớn nhất Việt Nam. Theo quy hoạch, cụm cảng này sẽ sớm được di dời, nhưng trung tâm ICD mới vẫn sẽ được đặt tại TP Thủ Đức (phường Long Bình, quận 9).

Về đường hàng không, TP Thủ Đức sẽ là trung điểm giữa hai sân bay quốc tế hàng đầu cả nước là Tân Sơn Nhất và Long Thành (vừa khởi công ngày 5/1). Đây là điều kiện lý tưởng để thành lập trung tâm logistics chuyên dụng hàng không theo quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2015 (quyết định 1012).

TP Thủ Đức có hệ thống giao thông kết nối với các vùng lân cận.

“Bỏ qua tiềm năng logistics của TP Thủ Đức giống như giữ vàng trong tay mà không biết phải xài như thế nào vậy”, ông Thành chia sẻ.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm hoạt động trong ngành logistics, ông Thành cho rằng nếu không để ý đến tiềm năng logistics của TP Thủ Đức thì sẽ là “sự lãng phí rất lớn”. Bởi lẽ, điều kiện tự nhiên nơi đây gần như đáp ứng cơ bản các yếu tố để trở thành trung tâm logistics của vùng và tiến tới là của khu vực. Từ đó, tạo nhiều việc làm cho người dân TP Thủ Đức và hỗ trợ ngành công nghiệp khác.

Cảng Cát Lái ở TP Thủ Đức.

Trong 281 bến cảng của Việt Nam, riêng Cảng Cát Lái ở TP Thủ Đức đã đảm nhận 38,5% khối lượng container chứa hàng xuất nhập khẩu của cả nước. Cảng Cát Lái còn thuộc top 30 cảng container có sản lượng lớn nhất thế giới (số liệu do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn công bố năm 2019).

Thành phố Thủ Đức đủ khả năng trở thành trung tâm logistics.

Thành phố Thủ Đức hứa hẹn sẽ giúp TP.HCM thực hiện “giấc mơ” chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tri thức, sáng tạo, công nghệ… mà gần 2 thập niên qua TP.HCM vẫn chưa thực hiện được.

Thủy Tiên

Để lại bình luận