Văn phòng Quốc hội ra thông cáo cho biết từ ngày 11-12/1/2021, Phiên họp thứ 52 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra tại Phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc và cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên
Sáng nay (12/1), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của TAND tối cao, VKSND tối cao.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị báo cáo của TAND và VKSND làm rõ hơn về tranh tụng tại các phiên tòa, vì đây là một trong những điểm đổi mới rõ nét trong nhiệm kỳ vừa qua.
Giải trình sau đó, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, đối với các thẩm phán, tranh tụng là con đường đi đến công lý.
“Tranh tụng tốt, chúng ta lắng nghe được ý kiến phản biện, chúng tôi không hạn chế việc tranh tụng”, Chánh án TAND tối cao nhấn mạnh.
“Chất lượng tranh tụng phụ thuộc và các chủ thể chứ tòa án chỉ tạo môi trường và tôn trọng việc đó. Quan điểm của chúng tôi tranh tụng chính là con đường đi đến chân lý”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về công tác nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV. Theo ông Trí, trong nhiệm kỳ, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới 375.884 vụ, tăng 1,2% so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Các thế lực thù địch và tổ chức phản động tiếp tục các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, đẩy mạnh hoạt động chống phá Nhà nước.
Bên cạnh đó, tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường tăng, nhiều vụ xảy ra trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, đầu tư công gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; tội phạm về tham nhũng, chức vụ giảm nhưng đã khởi tố nhiều vụ án về tham nhũng gây thiệt hại đặc biệt lớn và nhiều bị can từng giữ chức vụ cao trong cơ quan Đảng, Nhà nước; phát hiện, khởi tố nhiều vụ án đan xen giữa tội phạm hình sự và tội phạm xâm phạm quản lý kinh tế…
Ông Lê Minh Trí cũng nhấn mạnh, tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80 nghìn tỉ đồng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Theo ông Trí, hiện kê khai tài sản, chúng ta chỉ thực hiện đối với những cán bộ trong hệ thống chính trị. Nhưng nếu người ta đã tham nhũng thì không bao giờ tự mình đứng tên cả, họ chỉ để những người ngoài xã hội đứng tên.
“Bây giờ có những người hai mấy, ba mươi tuổi đã đứng tên những tài sản cả trăm tỉ, nghìn tỉ, chúng ta biết hết nhưng không xử lý được, vì quyền sở hữu của công dân chúng ta không đụng vào được”- ông Trí nhấn mạnh. Ông cho rằng nếu có luật này, khi một người đăng ký tài sản mới, nếu anh ta không chứng minh được nguồn gốc tài sản sẽ bị “thăm hỏi” ngay và có cơ sở pháp lý để xử lý.
Ông Trí nói: “Khi đó, chắc rằng sẽ không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng này. Còn nếu không, chúng ta cố gắng thì cũng chỉ đến một ngưỡng nào đó rồi dừng lại thôi, bởi vì bát nước đổ đi, khi hốt lại không bao giờ đầy được nữa”.
Thủy Tiên